Đằng sau những hoang mang, dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Liệu có thế lực nào đứng sau bảo kê nên Alibaba mới thách thức pháp luật đến thế?
Đến ngày 18-9, nhiều người đã thở phào khi hai lãnh đạo của Công ty CP Địa ốc Alibaba bị bắt giữ. Không ít người chép miệng lẽ ra việc bắt giữ và xử lý theo pháp luật này đã phải xảy ra sớm hơn và như thế số nạn nhân của vụ “lừa đảo lịch sử” này có thể đã ít hơn con số 6.700 rất nhiều lần.
Công an áp giải CEO Nguyễn Thái Luyện và em trai Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, cùng hàng trăm thùng tài liệu về trụ sở công an vào rạng sáng 19-9. Ảnh: PLO
1. Gom đất nông nghiệp, “vẽ” dự án và thu tiền
Ngày 18-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp cùng Công an TP.HCM bắt khẩn cấp Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh – Giám đốc công ty này (em trai Luyện) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. CQĐT đã tiến hành khám xét trụ sở làm việc và các chi nhánh của công ty ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận…, đồng thời thu giữ nhiều tài liệu và tài sản liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định: Anh em Luyện và Lĩnh lập ra Tập đoàn Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) đã thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha giao cho các cá nhân đứng tên, tự “vẽ” ra 40 dự án ma tại Đồng Nai (29 dự án), Bà Rịa-Vũng Tàu (chín dự án), Bình Thuận (hai dự án).
Tất cả dự án này Alibaba chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án. Sau đó Alibaba tổ chức quảng cáo sai sự thật để bán cho khách hàng. Tính đến ngày 30-6-2019, Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.
2. Tại anh, tại ả hay tại cả… nhiều bên?
Không khó để nhận ra đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay thông qua phương thức kinh doanh bất động sản đa cấp, rất tinh vi, có quy mô lớn, có sự phân công vai trò cụ thể, có câu kết chặt chẽ từ lãnh đạo đến nhân viên công ty… Nạn nhân là những người đầu tư mua đất vì thiếu hiểu biết pháp luật về đất đai, tin nhầm vào lời giới thiệu gian dối của Alibaba.
Đồng thời cũng phải thấy rằng một phần do người đầu tư mua đất thấy lợi nhuận mà Alibaba cam kết rất cao nên bất chấp mọi cảnh báo từ chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông, họ lao vào như con thiêu thân.
Đây được xác định là điều kiện thuận lợi để lãnh đạo và nhân viên Alibaba thực hiện được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cũng không thể nói người đầu tư có lỗi theo quy định của pháp luật. Vì ở đây không có hành vi vi phạm pháp luật từ việc mua đất để đầu tư từ phía người dân!
Công an làm việc với lãnh đạo Công ty Alibaba và những người liên quan. Ảnh: PLO
3. Có hay không việc bảo kê cho Alibaba?
Hiện nay CQĐT chưa công bố có sự bảo kê hay không cho Alibaba nên chúng ta chưa có cơ sở để nói điều này. Tuy nhiên, như đã nói, dư luận thì từ lâu đã râm ran câu hỏi, nhất là khi thấy dấu hiệu sai phạm của Alibaba khá rõ nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn chưa “ốp” các lãnh đạo của công ty này.
Và đến nay cũng chưa rõ trong số đất nông nghiệp mà Alibaba mua lại, cho cá nhân đứng tên gồm loại đất cụ thể nào: Đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng…
Theo Điều 188 Luật Đất đai, người sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, không bị kê biên, trong thời hạn sử dụng đất thì được thực hiện các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 88 và Điều 191 luật này thì tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…
Nếu các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, chỉnh lý sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Alibaba hoặc nhân viên của Alibaba vi phạm các quy định trên thì cần điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Và đây cũng là điều kiện để Alibaba thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4. Tại sao công an không bắt sớm để giảm bớt thiệt hại?
Theo quy định của BLTTHS, trước khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan tố tụng phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, xác định có hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không. Hành vi đó có cấu thành tội phạm hay không? Cấu thành tội phạm cụ thể nào theo quy định của BLHS? Hậu quả, thiệt hại của hành vi đó như thế nào? Ai là người thực hiện hành vi phạm tội?…
Để thu thập được đầy đủ căn cứ như trên cần phải có thời gian nhất định, tùy theo tính chất vụ việc. Đối với vụ án rất phức tạp của Tập đoàn Alibaba, khi có nhiều dự án và người bị hại, việc cần nhiều thời gian để làm sáng tỏ vấn đề là cần thiết. Có lẽ vì vậy mà đến gần cuối tháng 9-2019, cơ quan công an mới đủ cơ sở để “phá án” vụ này chăng?
Dù vậy, dư luận vẫn cho rằng nếu cơ quan tố tụng tích cực hơn nữa, vào cuộc sớm hơn nữa, có lẽ con số nạn nhân (người bị hại) của vụ án sẽ ít hơn nhiều. Và như thế tình hình trật tự trị an không lùm xùm như những gì mà CEO Nguyễn Thái Luyện và thuộc cấp đã gây ra trong thời gian qua.