CHẾ ĐỘ TÀI SẢN VỢ CHỒNG
A. Chế độ tài sản theo quy định pháp luật.
1/ Tài sản chung của vợ chồng theo luật định:
Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…”
Theo đó, thu nhập từ lao động của chồng hay vợ có được trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ được coi là tài sản chung Bản chất của vấn đề là tiền đó có được như thế nào. Chính vì thu nhập của một người (vợ hoặc chồng) có được trong thời kỳ hôn nhân, nên về cơ bản nó phải được xem là tài sản chung, người có thu nhập (kinh doanh, lợi nhuận, tiền công, tiền lương và ngay hoa lợi từ tài sản riêng) không thể tự ý sử dụng hay định đoạt mà không có ý kiến của người kia.
2/ Tài sản riêng của vợ chồng theo luật định:
Khoản 1, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều: 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.
B. Tài sản chung hay riêng của vợ chồng theo chế độ thỏa thuận
Chế độ tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng như phân tích ở mục A trên đây là chế độ tài sản theo luật định. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam còn thừa nhận có chế độ tài sản theo thỏa thuận giữa vợ và chồng theo quy định tại khoản 1, Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.”
Điều 47 Luật HNGĐ 2014 quy định như sau:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Như vậy, muốn thỏa thuận về chế độ tài sản, vợ và chồng phải lập văn bản thỏa thuận từ trước khi hôn nhân, sau đó phải công chứng hoặc chứng thực.
Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận như sau:
“1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:
a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.”
Có nghĩa là: Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ, chồng sẽ xác định chế độ tài sản vợ chồng là:
– Chế độ tài sản chung vợ chồng + tài sản riêng của vợ + tài sản riêng của chồng (theo luật định hoặc theo thỏa thuận từng tài sản);
Hoặc:
– Chế độ tài sản chung vợ chồng đối với tất cả các tài sản vợ chồng có được trước và trong thời kỳ hôn nhân, không phân biệt nguồn hình thành;
Hoặc :
– Chế độ tài sản riêng của mỗi người. Thu nhập của ai là tài sản riêng của người đó;
Hoặc:
– Chế độ độc quyền về tài sản của một người chồng hoặc một người vợ. Mọi tài sản có được từ thu nhập của hai người đều là tài sản của người vợ hoặc của người chồng.
Như vậy, đến Luật Hôn nhân và gia đình 2014, chế độ tài sản vợ chồng còn được quyền thỏa thuận khi xác lập hôn nhân theo một trong bốn hình thức sở hữu. Điều này đánh dấu sự chuyển biến về sự tôn trọng quyền thỏa thuận của vợ chồng về tài sản. Phần nào tháo gỡ sự ràng buộc chế độ tài sản chung vợ chồng theo quy định pháp luật, tạo điều kiện cho vợ chồng trong việc quản lý, sử dụng tài sản vợ chồng thuận lợi, bình đẳng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì chế độ tài sản vợ chồng theo hình thức nào cũng có thể bị lợi dụng một khi có một người trong hai vợ chồng coi nặng vật chất hơn tình cảm, đến khi hôn nhân đổ vỡ thì người còn lại gánh chịu thiệt thòi.
Ví dụ như chế độ tài sản chung vợ chồng theo luật định thì thu nhập, tài sản tạo ra từ một người chồng/vợ (trong thời kỳ hôn nhân) đều là tài sản chung vợ chồng. Còn người kia chẳng làm gì thì cũng nghiễm nhiên có ½ khối tài sản đó. Khi ly hôn, tất nhiên “của nhà chia đôi” (đành rằng có xem xét đến nguồn gốc tạo lập, công sức đóng góp).
Hoặc như theo thỏa thuận về chế độ độc quyền về tài sản của một người chồng hoặc một người vợ thì dù người kia có làm ra bao nhiêu tiền thì cũng thuộc về một người chồng/vợ của họ. Nếu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mà phải ra Tòa ly dị thì cũng ngậm ngùi ra đi hai bàn tay trắng chứ chẳng có tài sản chung mà đòi chia đôi.
Thiết nghĩ, pháp luật khi đã mở rộng cho “tự do thỏa thuận” thì cũng cần có những quy định “bủa lưới” đối những trường hợp như vậy.